Truyền cảm hứng vào tiết học

Lượt xem:

Đọc bài viết

Nguồn: Báo điện tử Giáo dục thời đại
GD&TĐ – Với đa số giáo viên (GV) việc dạy hết, dạy đủ kiến thức môn học không khó khăn. Tuy nhiên để học sinh (HS) hứng thú, chủ động tiếp nhận kiến thức, tương tác trong quá trình học, không ngại nghiên cứu, học hỏi… lại đòi hỏi người thầy tìm ra những phương pháp giáo dục phù hợp. Đây cũng trở thành yêu cầu tất yếu của quá trình xây dựng trường học hạnh phúc, đặt HS làm trung tâm giáo dục.

Được truyền cảm hứng học tập, HS sẽ có khát khao chiếm lĩnh kiến thức.

Lấy HS làm trung tâm đổi mới
Không ít GV khẳng định, việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy đã góp phần không nhỏ cho thành công của tiết dạy.
Với bài học lịch sử thông thường nếu được ứng dụng CNTT bằng cách minh họa hình ảnh sẽ giúp bài giảng phong phú hơn, HS tiếp nhận kiến thức hứng thú chủ động. Cô giáo Nguyễn Trà My – Trường TH Phan Đình Giót – Hà Nội cho biết: Từ những bài giảng ứng dụng CNTT, HS dễ dàng nắm bắt ngay kiến thức trên lớp. Từ đó, các em chủ động đặt ra nhiều câu hỏi có liên quan đến bài giảng để nhờ GV giải đáp thêm. Tuy vậy, ứng dụng CNTT vào giảng dạy cũng không thể lạm dụng mà phải tùy thuộc vào yêu cầu của bài, phải có sự chuẩn bị thao tác, giáo án kĩ càng cũng như kết hợp điều kiện cơ sở vật chất của trường, lớp.
Thầy Hoàng Minh Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Quảng Ninh) cũng cho rằng: Điều khó nhất với người thầy là phương pháp dạy học. Dạy làm sao để HS thích học thay vì phải học, học đủ. Vì vậy, trong quá trình dạy học, GV không nên áp đặt hoặc vạch trước cho HS con đường để đi. “Người thầy phải có trách nhiệm tạo điều kiện để HS tự đi bằng đôi chân của mình, tự tỏa sáng theo năng lực, khả năng bản thân” – thầy Thanh khẳng định.
Thầy giáo Lê Quang Nhân – Trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk), người có nhiều thành tích trong phát hiện và rèn luyện HS giỏi cấp tỉnh và quốc gia môn Tin học cũng chia sẻ: HS không phải là chiếc bình cho GV đổ đầy kiến thức mà là một ngọn đuốc cần thầy cô thắp sáng để bùng cháy.
Đối với thầy Nhân, mỗi HS đều có sở trường và sở đoản riêng, GV phải theo sát, có giáo án và phương pháp giảng dạy riêng giúp từng em khắc phục nhược điểm và sớm đi đến thành công. GV cần giúp HS tự rút ra các bài học và đứng dậy sau thất bại. Và hơn thế, phải liên tục truyền “lửa” để các em giữ vững đam mê, không lung lay, chùn bước trước các khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Truyền cảm hứng vào học tập
Theo cô Nguyễn Thị Minh Yến (Trường THPT Trần Phú – Vĩnh Phúc), muốn học trò tiếp nhận bài học thì người thầy phải lên lớp với một sự hứng khởi tràn đầy. Sự hứng khởi ấy không phải là một điều gì quá xa vời mà tỏa ra một cách tự nhiên từ niềm đam mê nghề nghiệp, ý thức và tinh thần trách nhiệm với mỗi bài giảng và cả cái nhìn lạc quan của người thầy về cuộc sống.
GV có thể vận dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực trong nghệ thuật truyền cảm hứng cho HS. Nghệ thuật sư phạm của thầy cô cũng trở thành nguồn động lực bất tận của cảm hứng. Nghệ thuật sư phạm là tài năng tổng hợp trên nhiều phương diện. Tài năng đó không chỉ được thể hiện qua kiến thức sâu rộng, phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo có tác dụng khơi nguồn cảm hứng mà tài năng đó còn được thể hiện trong nhiều cảnh huống diễn ra khi thực hiện các hoạt động giáo dục.
Rõ ràng, đối tượng lao động của nghề giáo không phải là những tư liệu sản xuất mà là con người. Vì thế, người thầy chỉ có thể truyền cảm hứng cho HS khi các em yêu mến, kính trọng, tin tưởng thầy cô. Muốn đạt được điều đó, thầy cô phải thực sự là một nhà tâm lý trong giáo dục. Khi HS gặp vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống gia đình, tình cảm bạn bè, thầy cô không chỉ giúp các em tháo gỡ mà còn trở thành người bạn tâm tình đáng tin cậy…

Đức Trí