Trường THPT Vĩnh Thuận – Nơi ươm mầm thắp sáng ước mơ

Lượt xem:

Đọc bài viết

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử huyện Vĩnh Thuận

Được thành lập từ năm 1979, trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Thầy và trò trường THPT Vĩnh Thuận đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác dạy và học, xứng đáng là nơi ươm mầm thắp sáng ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh.

Thầy cô giáo và học sinh Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thuận xem hình ảnh, trao đổi về truyền thống 40 năm hình thành và phất tiển của trường

Nhà giáo ưu tú Lê Quang Ngọ nguyên hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Thuận kể lại: Ngày 21/6/1979, ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ký quyết định số 1050 thành lập trường phổ thông trung học Vĩnh Thuận, bổ nhiệm thầy Nguyễn Đình Lý làm Hiệu trưởng và thầy Lê Quang Ngọ làm Phó Hiệu trưởng. Lúc đó cơ sở vật chất hầu như chưa hình thành được gì. Công tác dạy và học gặp rất nhiều khó khăn! Do quy mô khối cấp 3 còn ít, trường còn được giao nhiệm vụ giảng dạy khối cấp 2 trên địa bàn Thị Trấn Vĩnh Thuận. Đồng thời, Ty Giáo dục cho khởi công xây dựng 08 phòng học do UNICEF viện trợ trên khu đất hoang, sình lầy, cằn cỗi. Năm học 1979 – 1980 này, lần đầu tiên, huyện Vĩnh Thuận có học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đạt kết quả rất cao.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Hà, nguyên hiệu trưởng trường cho biết thêm: năm 1982 sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Vinh tôi về công tác tại trường THPT Vĩnh Thuận. Lúc đó trường chỉ có 1 dãy phòng cấp 4 với 4 phòng học, 2 dãy nhà lá, công tác dạy và học trong điều kiện rất khó khăn như thiếu giáo viên ở hầu hết các bộ môn, thiếu cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị giảng dạy. Học sinh đi học xa nhà, nhiều em phải cất chòi lá trọ học sau trường, sinh hoạt, học tập rất vất vả, thiếu thốn. Nhưng phải nói rằng nhờ sự quan tâm giúp sức của chính quyền địa phương sự hỗ trợ tích cực của bà con nhân dân nên thầy và trò đã siết chặt tay nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học.

40 năm trôi qua đã có biết bao thế hệ học trò rời mái trường thân thương Vĩnh Thuận để tiếp tục viết lên những ước mơ tốt đẹp cho cuộc đời mình, đóng góp công sức, trí tuệ cho xã hội. Trong số đó giờ đây có nhiều người đạt trình độ tiến sỹ, kỷ sư, bác sỹ, nhà báo, nhà chính trị, cả những văn nghệ sỹ; nhiều người trở thành những doanh nghiệp tiêu biểu, là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi…

Cựu học sinh Quốc Tín ngụ ở thành phố Cà Mau chia sẻ: mỗi khi trở về trường, chúng tôi mang trong mình cảm xúc bồi hồi, vương vấn. Nhớ thầy cô giáo đã dạy dỗ mình nên người như ngày hôm nay. Nhớ đến sự đùm bọc giúp đỡ của bạn bè. Bao kỷ niệm cứ tràn về nhiều lúc không cầm được nước mắt…

Hiện nay nhà trường có 91 cán bộ, giáo viên, nhân viên thì trong số đó có 51 người là học sinh củ của trường. Thầy giáo Phạm Thanh Phú xúc động cho biết: Nghe lời thầy giảng, yêu quý kính trọng thầy cô, quý trọng nghề dạy học nên sau khi học xong cấp 3 thầy quyết định học ngành sư phạm lịch sử rồi về công tác tại trường. Hiện nay, nhiều học sinh củ của trường đang đảm nhận vai trò quan trọng trong cấp ủy, Ban Giám hiệu và các bộ phận đoàn thể, chuyên môn tại trường.

Phó hiệu trưởng phụ trách Lâm Phước Lành, cựu học sinh của trường cho biết thêm: năm nào cũng vậy, cứ đến ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, các thế hệ học sinh củ trở về trường cùng nhau đóng góp để tổ chức buổi họp mặt thật đầm ấm, ý nghĩa nhằm tri ân thầy cô giáo thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Bạn bè gặp lại tay bắt mặt mừng, phút giây thầy trò hội ngộ thật vô cùng cảm động. Nhiều cựu học sinh đã cùng nhau đóng góp hổ trợ nhà trường về cơ sở vật chất, tặng cho quỹ khuyến học của trường nhiều phần quà để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục cắp sách đến trường. Đó là những nghĩa cữ cao đẹp, rất đáng trân quý!

Trải qua 40 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành. Hiện tại, trường có diện tích 34.919 m2, quy mô 35 lớp với cơ sở vật chất – thiết bị dạy và học đạt chuẩn, đảm bảo việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho 1.494 học sinh. Hằng năm, trường có từ 450 đến 500 học sinh tốt nghiệp ra trường, hầu hết đủ điểm vào đại học. Chi bộ nhà trường từ 06 đảng viên năm 1997, đến nay đã có 58 đảng viên, thể hiện tốt vai trò tiên phong, gương mẫu trong các hoạt động giáo dục.

Với những đóng góp xuất sắc, trường THPT Vĩnh Thuận đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: 03 Huân chương Lao động hạng Ba; 02 danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; 02 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 02 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 01 danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 5 năm liền được UBND tỉnh tặng Cờ Thi đua xuất sắc; nhiều Bằng khen của UBND tỉnh; nhiều danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở và cấp tỉnh; chi bộ Đảng được Tỉnh ủy tặng Cờ “Cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh xuất sắc 5 năm liền” lần thứ hai; các đoàn thể trong trường liên tục đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc.

Em Phan Ngọc Thảo Nhân học sinh lớp 11/1 tâm sự: em rất tự hào được học tập dưới mái trường THPT Vĩnh Thuận. Trường lớp hôm nay thật khang trang, sạch đẹp. Thầy, cô giáo tận tình chỉ dạy. Thầy cô mãi là tấm gương sáng để chúng em học tập và noi gương theo.

Chia tay thầy Nguyễn Thanh Hà nguyên hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Thuận với một lời nhắn nhủ: tôi mong muốn các thế hệ học sinh cũ dù đi đâu, làm gì cũng luôn luôn nhớ tới mái trường trung học phổ thông Vĩnh Thuận, nơi đã từng học tập và trưởng thành. Tôi mong rằng, các thế hệ học sinh đang theo học dưới mái trường này hãy tiếp tục cố gắng chăm ngoan học giỏi, sau này sẽ ra sức đóng góp xây dựng nhiều hơn nửa cho quê hương Vĩnh Thuận, Kiên Giang giàu truyền thống.

Bài và ảnh: Võ Thanh Xuân