SỐNG MÃI KÝ ỨC NGÀY TOÀN THẮNG 30/4/1975

Lượt xem:

Đọc bài viết

Chiến tranh đã lùi xa 47 năm, đối với mỗi người con đất Việt thì lịch sử ngày 30/4 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Ngày 30/4/1975 ấy mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. Không như lớp cha ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu để đi đến thống nhất nước nhà, chúng tôi – những người con được may mắn sinh ra trong thời bình, tuy không bị chứng kiến chiến tranh nhưng qua các trang sử được học trong trường phổ thông thì ngày 30/4 quả là một ngày trọng đại của đất nước. Chiến thắng 30/4 làm rung chuyển địa cầu, nước Việt Nam anh hùng bất khuất vẫn giữ vững màu cờ Tổ quốc tung bay trên bầu trời xanh hòa bình và độc lập.
Cách đây 47 năm, cùng với quân dân cả nước, Đảng Bộ, quân và dân Vĩnh Thuận đã nhất tề nổi dậy đánh vào chi khu Kiên Long giải phóng hoàn toàn huyện Vĩnh Thuận vào ngày 1 tháng 5 năm 1975.
Thực hiện mệnh lệnh tấn công và nổi dậy giải phóng huyện Vĩnh Thuận trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ban chỉ huy tấn công và nổi dậy huyện Vĩnh Thuận đã chọn Vườn Bộ Gia (Kinh Một)  làm căn cứ. Đồng chí Mai Thanh Tòng (Tám Nhãn), Bí thư huyện ủy làm Trưởng ban.
      Ngày 15-4-1975 Huyện ủy Vĩnh Thuận tổ chức cuộc họp mở rộng khẩn cấp có sự chỉ đạo của đồng chí Lê Thị Lệ, ủy viên thường vụ tỉnh ủy. Hội nghị đánh giá tình hình địch, ta trong huyện phân tích những thuận lợi và khó khăn cho đợt tổng tấn công. Lúc này, quân số địch còn 400 tên bảo an, dân vệ, 6 trung đội phòng vệ dân sự, 3 đoàn bình định, đóng 7 đồn, 3 trụ sở tề xã và có 2 khẩu pháo 105 ly …

      7 giờ tối ngày 30-4-1975 lực lượng ta xuất quân theo kế hoạch. Mũi thứ nhất từ kinh Một tấn công vô chi khu do đồng chí Trường Giang, Huyện ủy viên, Huyện đội trưởng chỉ huy. Mũi thứ hai từ Cạnh Đền tấn công ra chi khu do đồng chí Huỳnh Hoàng Diệu, Huyện ủy viên, Huyện đội phó chỉ huy. Mũi thứ ba từ Đường Sân tấn công vào chợ Vĩnh Thuận do đồng chí Ba Hành, Thường vụ huyện ủy, chính trị viên Huyện đội chỉ huy.
      Đại tá Nguyễn Văn Dũng nguyên chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Thuận lúc đó là Đại đội trưởng Đại đội địa phương quân cho biết thêm: “Khoảng 10 giờ khuya, ta áp sát chi khu địch nổ súng tấn công. Ta bắn 10 quả đạn cối 82 mm, áp sát nơi địch đóng quân thì thấy chúng co cụm và chống cự yếu ớt. Sau thời gian chiến đấu ác liệt tên đại úy Bé nói với ta qua máy PRC.25 xin đầu hàng nhưng hẹn 7 giờ sáng hôm sau gặp ta để bàn giao”.

      Trong thời gian này, lực lượng của ta ở các xã đã nhất tề nổi dậy tấn công vào đồn của địch. Xã Vĩnh Thuận tổ chức chiến đấu bao vây, phát loa kêu gọi đồn Kinh Ba đầu hàng.
      7 giờ sáng 1-5-1975 tên đại úy Bé quận phó phụ trách an ninh và một sĩ quan gặp Ban chỉ huy của huyện chính thức xin đầu hàng vô điều kiện. Từ giờ phút này Vĩnh Thuận hoàn toàn giải phóng.

      Để viết nên ca khúc khải hoàn trong ngày vui đại thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử. Quân và dân Vĩnh Thuận đã chiến đấu ròng rả suốt 30 năm để chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Mỹ- Ngụy đã triệt phá hàng loạt xóm làng vùng quê Vĩnh Thuận.
      Thế nhưng chúng không thể ngờ rằng giữa sự sống và cái chết đó người dân Vĩnh Thuận lại càng ra sức che chở, bảo vệ cách mạng, bảo vệ các đồng chí cán bộ. Nhiều bà mẹ, chị em vùng xuồng, ghe, ngụy trang khéo léo chở thương binh, vũ khí, thuốc men qua đồn giặc về đến nơi tuyệt đối an toàn.
      Chúng ta không thể nào quên được hình ảnh của các chiến sĩ bộ binh, nữ pháo binh, đặc công, công binh, du kích, trí dũng song toàn, lập nên những chiến công chói lọi ở Nhà Ngang, Sân Gạch, Kè Một, Bình Minh, Đường Sân, Ruộng Sạ; hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ âm thầm mà can trường, mưu trí trên mặt trận đấu tranh chính trị, binh địch vận. Quên sao được những gia đình cơ sở cách mạng ở Xẻo Gia, Đồng Tranh, Kinh 13,14 và nhiều nơi khác không sợ cảnh đầu rơi, máu chảy, tù đày tra tấn, dũng cảm cất giấu vũ khí, kiên trung đùm bọc chở che, nuôi nấng các đồng chí lãnh đạo và lực lượng cách mạng hoạt động ngày đêm ngay giữa lòng địch.Và quên sao được hình ảnh của các đồng chí, đồng bào quê hương Vĩnh Thuận dù bị địch chà đi xát lại, nhà tan, cửa nát, chịu nhiều đau thương mất mát, nhưng vẫn một lòng, một dạ trụ bám để giữ vững các tuyến giao liên, tạo những căn cứ bàn đạp cho phong trào cách mạng; ăn rau, khoai, để dành gạo cho cách mạng, tất cả cho giải phóng Vĩnh Thuận.
      Chúng ta mãi mãi tự hào về những người con đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, chiến đấu anh dũng để giành lại từng ngôi nhà, từng bờ kinh, từng tất đất vô cùng ác liệt. Có thể nói, mỗi con đường, mỗi dòng sông của Vĩnh Thuận đều thấm đẫm máu đào của bao anh hùng liệt sĩ, đều ngời sáng những chiến công vẻ vang của quân và dân ta.

      Năm 2022 này tròn 47 năm chiến thắng giữ nước vĩ đại của dân tộc. Phát huy khí thế cách mạng hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử Đại thắng mùa Xuân 1975, cán bộ và nhân dân huyện Vĩnh Thuận sẽ chung sức chung lòng, đem tất cả công sức, tâm huyết, tài năng và trí tuệ, đoàn kết quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước cùng nhau xây dựng quê hương Vĩnh Thuận giữ vững huyện nông thôn mới.
(Theo KỊCH BẢN PHIM TÀI LIỆU: KÝ ỨC NGÀY TOÀN THẮNG của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thuận)