Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Giáo viên có được nghỉ dạy?

Lượt xem:

Đọc bài viết

Nguồn: Báo điện tử Gia đình và xã hội

GiadinhNet – Theo quy định, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 được tổ chức trọng thể trên cả nước lần đầu tiên vào ngày 20/11/1982. Đây được coi là ngày hội truyền thống của ngành giáo dục, ngày 20/11 mang ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”…

Theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 về Ngày Nhà giáo Việt Nam nêu rõ: Việc tổ chức ngày 20/11 hàng năm do Ủy ban nhân dân và hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân.

Cũng theo Quyết định, việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh. Điều 4 quy định rõ, trong ngày 20/11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và của địa phương.

Năm 2019, tròn 37 năm triển khai Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: TL

Dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2019 là tròn 37 năm triển khai trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, năm nay là năm lẻ, nên nhiều địa phương, trường học cũng chủ trương tổ chức kỷ niệm không phô trương, lãng phí. Dịp này, ngành giáo dục một số nơi cũng có lời “đề nghị” mong không nhận hoa, quà chúc mừng.

Cụ thể, Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản thông báo không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa và quà chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Theo đó, Sở GD&ĐT không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa, quà chúc mừng kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2019). Đây là năm thứ bảy Sở GD&ĐT TP.HCM thực hiện không nhận hoa và quà từ các tổ chức, đơn vị.

Nhân dịp này, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Sở trân trọng cảm ơn sự quan tâm và những tình cảm tốt đẹp của các cơ quan, đơn vị và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, ban ngành đoàn thể, các đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện, chức trách nhiệm vụ được giao.

Thậm chí, dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, trường học trên địa bàn không tổ chức làm lễ kỷ niệm. Theo Sở, do năm nay không phải năm tròn do đó các đơn vị không tổ chức lễ kỷ niệm nhưng có thể tổ chức họp mặt truyền thống, tọa đàm và tổ chức các hoạt động giáo dục, thi đua như thăm hỏi nhà giáo nghỉ hưu, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, đọc sách, hoạt động trải nghiệm.

Các nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống phải đảm bảo các nguyên tắc: Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là số 0). Vào các năm khác chỉ tổ chức tuyên truyền, thi đua, hội thảo, tọa đàm…

Trường hợp, các đơn vị đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm; Không được tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm. Chỉ được tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền; Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức…

Còn tại Bình Dương, Sở GD&ĐT Bình Dương cũng có hướng dẫn các đơn vị, cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức họp mặt ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Sở GD&ĐT lưu ý, tổ chức họp mặt ngày Nhà giáo Việt Nam tại đơn vị với không khí trang trọng, vui tươi, tiết kiệm và ý nghĩa để học sinh chúc mừng, tri ân thầy cô giáo. Các đơn vị, trường học không được huy động tiền của học sinh và cha mẹ học sinh để tổ chức ngày 20/11.

Thùy Dương