(GDVN) – Trong kinh doanh, có lẽ kinh doanh trong giáo dục là an toàn và lời nhất. Lĩnh vực này ít xảy ra rủi ro, đầu tư cũng không nhiều nhưng lãi thì cứ thu đều đều.
Hiện cả nước có tới hơn 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên đang học tập và giảng dạy trong các nhà trường.
Việc học tập không chỉ đối với học sinh, sinh viên mà cán bộ, giáo viên trong các nhà trường cũng liên tục phải đi học nâng cao, học bồi dưỡng, học để bổ sung chứng chỉ, bằng cấp theo quy định.
Chính vì nhu cầu học tập để vào đời, học tập để để đảm bảo công việc thành ra nhiều trường, nhiều trung tâm đào tạo cũng mọc ra để đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều đối tượng học tập.
Nhu cầu về bằng cấp, chứng chỉ không chỉ với học sinh, sinh viên mà cả với giáo viên (Ảnh minh hoạ: binhlieu.quangninh.gov.vn)
Người học thì đương nhiên phải đóng tiền, những nhà cung cấp dịch vụ thì đương nhiên sẽ thu lợi. Những giá trị cốt lõi không được chú trọng, những hư danh, bằng cấp cứ mãi ám ảnh nhiều người.
Khi còn đi học phổ thông, ngoài giờ học trên lớp thì học sinh mải mê học thêm ở nhà thầy cô, ở các trung tâm gia sư và trung tâm ngoại ngữ. Không học thì không bằng bạn bè, không thi thố được.
Ngoài việc dạy thêm “chính đáng” ở nhà trường thì hàng loạt trung tâm gia sư, trung tâm ngoại ngữ mọc lên khắp các thành phố.
Không mấy trung tâm lấy tên tiếng Việt bởi đa phần đều gắn mác với vài chữ tiếng Anh để tạo sự trang trọng cho trung tâm của mình và đương nhiên cũng để tạo sự hấp dẫn đối với phụ huynh, với học sinh.
Tất nhiên, khi đến với các trung tâm này thì mức học phí rất cao, mỗi buổi học vài chục nghìn đồng, thậm chí các lớp ôn thi cuối cấp và các trung tâm ngoại ngữ thì mỗi ca học 90 phút của học sinh được tính bằng tiền trăm.
Không chỉ các trung tâm gia sư, ngoại ngữ mà nhiều trường quốc tế cũng được thành lập với mức học phí lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hơn nửa tỉ đồng/ năm.
Có những trường quốc tế được đào tạo bài bản nhưng cũng có rất nhiều trường chỉ yếu là đưa nhãn mác vào để đánh lừa phụ huynh.
Sau sự việc học sinh bị tử vong trên xe ô tô của trường quốc tế Gateway thì đến nay hàng loạt trường quốc tế đã âm thầm tháo đi chữ “quốc tế” để trở về với bản chất thật của nó.
Người học không biết thu nạp được bao nhiêu kiến thức nhưng rõ ràng các trung tâm này thu bộn tiền và chắc chắn một điều là họ có lãi cao.
Chính vì lãi cao nên nhiều người không chỉ mở một trung tâm mà họ mở rộng ra nhiều trung ở các địa bàn khác nhau để phát triển mạng lưới của mình.
Hết học phổ thông lên đến đại học thì ngoài chuyện học ở giảng đường, 100% sinh viên phải đến với các trung tâm ngoại ngữ và trung tâm tin học để học chứng chỉ theo quy định.
Ai là người dạy ở các trung tâm này, cũng chính các thầy cô đang dạy mình ở trên trường được các trung tâm thuê dạy. Thành ra, vẫn là “quân ta” cả nhưng lại vô tình làm giàu cho các cá nhân đứng ra mở trung tâm.
Tại sao các trường đại học đều dạy tiếng Anh với số lượng học phần (tín chỉ) nhiều nhất mà lại không được công nhận đã hoàn thiện chương trình học? Sao phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định mới được cấp bằng đại học?
Nếu được công nhận đã hoàn thiện chương trình ngoại ngữ trong trường đại học thì có phải là đỡ tốn kém cho sinh viên hay không? Sau khi ra trường, ai có nhu cầu học, ai muốn được tuyển dụng vào các ngành cần chuyên sâu về ngoại ngữ thì để họ tự nguyện học tập.
Nhiều người có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học A, B rồi nhưng vì sợ mất việc nên lại đua nhau đi học A2, B1; tin học cơ bản để hoàn thiện bằng cấp bởi văn bản Bộ Nội vụ đã ban hành, các trường học đã triển khai đến giáo viên.
Nhất là mấy năm nay cứ đến hè thì các trường đại học sư phạm lại gửi thông báo chiêu sinh các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.
Bây giờ, người ta không thông báo tại các trường đại học và cao đẳng sư phạm mà toàn gửi qua email của các nhà trường phổ thông.
Tất nhiên, khi đã được cấp trên thông qua, gửi thông báo đến nhà trường thì giáo viên đành phải miễn cưỡng đi học.
Nhiều nơi còn bắt buộc tất cả giáo viên phải đi học để lấy chứng chỉ, người không đi thì bị dọa tới năm 2021 sẽ tinh giảm biên chế. Vì thế, nhiều giáo viên phải lo “đón đầu” kẻo ảnh hưởng đến công việc trong tương lai…
Trong kinh doanh, có lẽ kinh doanh trong giáo dục là an toàn và lời nhất. Lĩnh vực này ít xảy ra rủi ro, đầu tư cũng không nhiều nhưng lãi thì cứ thu đều đều.
Các lớp học thêm có thể mở ở trường, có thể mở ở nhà giáo viên hoặc thuê một cái nhà rộng là có thể thể thành một trung tâm gia sư.
Bộ càng quy định giáo viên phải có thêm chứng chỉ, văn bằng thì nhiều tổ chức, cá nhân càng chớp thời cơ để nắm bắt cơ hội mở lớp.
Một bên phải hoàn thiện bằng cấp, chứng chỉ, một bên chỉ cần lợi nhuận nên đa phần khi học viên đăng ký học là bên chiêu sinh đã cam kết “bao đậu” thì chất lượng làm gì được chú trọng.
“Mảnh đất” giáo dục vì thế mà trở nên trù phú, màu mỡ hơn bao giờ hết!