Kiên Giang thiếu 1.000 giáo viên và gần 1.000 phòng học
Lượt xem:
Nguồn: Báo điện tử Đài phát thanh và truyền hình Thanh Hóa
Tỉnh Kiên Giang cũng như các tỉnh thành trên cả nước đã bước vào năm học mới. Thế nhưng với ngành giáo dục Kiên Giang, áp lực về cơ sở vật chất, giáo viên là vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Bởi hiện tại, Kiên Giang thiếu khoảng 1.000 giáo viên và gần 1.000 phòng học.
Thiếu 1.000 giáo viên… nhưng không được hợp đồng
Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang cho biết, khó khăn nhất trong năm học 2019 – 2020 là tình trạng thiếu giáo viên phục vụ giảng dạy.
Từ năm 2015 đến nay, ngành Giáo dục Kiên Giang chưa được giao thêm biên chế nên rất khó khăn, phát sinh nhiều bất cập. Toàn tỉnh hiện thiếu khoảng 1.000 giáo viên, riêng bậc học Mầm non thiếu khoảng 700 giáo viên (do thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, tăng cường dạy học 2 buổi/ngày, thực hiện nhiều hoạt động giáo dục bổ trợ…).
Ngành đã kiến nghị nhiều lần với Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Giáo dục về những bất cập, khó khăn nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, Nghị định 161 của Chính phủ siết chặt biên chế và UBND tỉnh ban hành công văn không cho hợp đồng biên chế giảng dạy nên khó càng khó hơn.
Riêng tại huyện đảo Phú Quốc, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội quá nhanh kéo theo dân số cơ học cũng tăng theo. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm huyện Phú Quốc tăng 3.000 từ mầm non đến trung học cơ sở, tương đương 60 lớp. Dân số cơ học tăng nhanh đã phá vỡ quy hoạch trường lớp khiến lớp học quá tải, biên chế giáo viên thiếu nghiêm trọng. Năm học này, Phú Quốc thiếu khoảng 200 giáo viên.
Ông Đỗ Văn Tuân – Phó Phòng Giáo dục huyện Phú Quốc cho biết: “Hiện nay Phú Quốc tăng lớp, tăng học sinh, thậm chí HS/lớp quá tải so với quy định. Cụ thể, bậc Tiểu học 35 thì sĩ số trên 40 em, THCS 45 em nhưng thực tế từ 50–60 em/lớp. Trong khi đó không được bổ sung kịp thời về biên chế. Gần đây UBND tỉnh ra công văn 809 không cho hợp đồng đối với chuyên môn nghiệp vụ nên Phú Quốc kiến nghị được tiếp tục hợp đồng thêm, hợp đồng mới, nếu không thì không có giáo viên để dạy và nếu dồn HS/lớp đông quá thì không có chất lượng”.
Trong khi tại Giang Thành, một huyện nghèo vùng biên giới lại không đảm bảo sĩ số học sinh/lớp học và rất khó khăn về đội ngũ giáo viên. Hiện nay biên chế cho Giang Thành còn thiếu hụt hơn 20 giáo viên. Điểm lẻ rất nhiều, nhất là cấp tiểu học nên việc Giang Thành có 3 xã dạy tiếng Khmer nhưng biên chế không được phép nên rất khó.
Ông Hà Quang Minh, Trưởng Phòng Giáo dục Giang Thành cho biết: “Huyện Giang Thành là huyện có điều kiện khó khăn, khi mới thành lập có 5 xã thuộc chương trinh 135, hiện nay còn 2 xã. Đội ngũ giáo viên về đây đến thời điểm chuyển đi hoặc có việc làm khác là nghỉ việc liền. Trung bình hằng năm có từ 10-15 cán bộ, giáo viên/300 giáo viên chuyển đi. Vì vậy nếu không cho ký hợp đồng thì rất khó đảm bảo công tác giảng dạy”.
Thiếu 1.000 phòng học, nhiều trường dính qui hoạch
Năm học 2019 – 2020, Kiên Giang không chỉ gặp nhiều khó khăn về biên chế, mà thực tế, nhiều phòng học cấp bốn trên địa bàn toàn tỉnh được xây dựng từ thập niên 1980-1990 hiện đang xuống cấp, nhiều trường hợp không còn hạn sử dụng, phải tháo dỡ, và tỉ lệ này tăng cao hơn so năm trước.
Với việc chuẩn bị triển khai chương trình sách giáo khoa mới học 2 buổi/ngày, các cơ sở vật chất từ trường lớp học đến trang thiết bị đứng trước tình trạng chưa đảm bảo, còn thiếu gần 1.000 phòng học tính đến năm 2020; và đến 2025, số phòng học còn thiếu sẽ tăng lên 1.500 phòng.
Đặc biệt tại huyện Phú Quốc, nhiều trường học bị dính qui hoạch, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng không được xây mới, do đó, nhiều phụ huynh bức xúc vì việc này ảnh hưởng rất lớn đến công tác giảng dạy và học tập của các em học sinh.
Cụ thể như điểm trường trường Tiểu học và THCS Rạch Vẹm (xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc), điểm trường tiểu học và THCS Hàm Ninh (xã Bãi Vòng). Riêng xã Bãi Thơm có 4 điểm trường (3 điểm trường cấp tiểu học và THCS; 1 điểm trường Mầm non) trong diện giải tỏa vì dính qui hoạch.
Hiện ngành Giáo dục Kiên Giang đang tập trung sửa chữa các phòng học không đảm bảo do xuống cấp, đặc biệt là hư hỏng do đợt mưa bão vừa qua ở Phú Quốc hay ở các vùng sạt lở thuộc huyện An Minh, U Minh Thượng, ngành Giáo dục đang tìm mọi cách khắc phục, đề xuất các cơ quan chức năng hỗ trợ và xác định đây là nhiệm vụ cấp bách.
Đồng thời, ngành sẽ cấp vốn cho xây dựng các phòng học mới, tiến hành di tản học sinh để đảm bảo an toàn cho trẻ; thực hiện xã hội hóa, vận động phụ huynh cùng chúng tay để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học trong năm học mới.
Nguyễn Hành/ Dân trí