Hồ Chí Minh – Từ nhà giáo đến lãnh tụ vĩ đại

Lượt xem:

Đọc bài viết

Nguồn: Báo điện tử Giáo dục

(GDVN) – Từng là nhà giáo, những trăn trở suy tư về giáo dục luôn chiếm vị trí quan trọng trong suốt cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch.
Khởi điểm cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể coi là bắt đầu vào năm 1910 khi Người trở thành thầy giáo tại Trường Dục Thanh (Phan Thiết), khi đó Hồ Chủ tịch tròn 20 tuổi.
Năm 1911, Người vào Sài Gòn, bắt đầu chuyến đi tìm đường cứu nước kéo dài đằng đẵng 30 năm, ngày 28/01/1941 (mùng 2 Tết Nguyên đán năm Tân Tỵ), Hồ Chủ tịch vượt qua cột mốc 108 trên biên giới Việt – Trung về Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, phong kiến.
Từng là nhà giáo, những trăn trở suy tư về giáo dục luôn chiếm vị trí quan trọng trong suốt cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch.
Ngay sau khi cách mạng tháng 8/1945 thành công, một trong những việc đầu tiên người quan tâm là giáo dục:
“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. [1]
Một năm sau, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí nước ngoài, Hồ Chủ tịch nói:
“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Mong muốn cuối cùng của Hồ Chủ tịch dành Tổ quốc, đồng bào được thể hiện trong bản Di chúc được công bố (một phần) tại lễ truy điệu Người ngày 09/09/1969.
Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Ham muốn tột bậc của Người là nói về giáo dục “Ai cũng được học hành”, mong muốn cuối cùng của người là dành cho Tổ quốc “Một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Tròn nửa thế kỷ từ khi Người đi xa, ham muốn tột bậc của Người “ai cũng được học hành” vẫn chưa trọn vẹn.
Báo Vietnamnet.vn viết: “Số người mù chữ còn nhiều, khoảng gần 2 triệu người nhưng số người đi học xoá mù chữ rất ít.
Tỉ lệ huy động người mù chữ đi học xoá mù chữ chỉ khoảng 3% toàn quốc.
Nhiều tỉnh không vận động được người đi học xoá mù chữ như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Kiên Giang, Bến Tre”. [2]
Điều mong muốn cuối cùng của người “Một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” đã được thực hiện như thế nào?
Nước Việt Nam “Hòa bình, thống nhất, độc lập” là điều hiển nhiên ai cũng phải thừa nhận.
Khái niệm “Giàu mạnh” theo chuẩn thế giới chúng ta chưa đạt được, bằng chứng là dân số Việt Nam chiếm vị trí thứ 14 nhưng về kinh tế Việt Nam xếp thứ 49 (theo xếp hạng của WTO năm 2018).
Ngay trong cộng đồng người Việt và một số nhân vật có chức vụ, vẫn còn đó những quan điểm về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng:
“Trong một nền dân chủ đại diện thì chức năng đại diện là quan trọng nhất.
Muốn vận hành được chức năng này, thì mối quan hệ hữu cơ giữa người đại diện và người được đại diện phải được xác lập và vận hành trên thực tế.
Và tất cả bắt đầu từ việc ghi nhớ tên và địa chỉ (điện thoại, email) của những đại biểu mà bạn đã bỏ phiếu ủy quyền”.
Tuy nhiên chính ông Dũng lại cho rằng “Bạn có bao giờ nhớ được những vị đại biểu mà mình đã bầu ra ở các cấp chính quyền là ai không?
Câu trả lời không nói thẳng ra thì, có lẽ, cũng đã rõ với rất nhiều người. Chúng ta hầu như ít nhớ được ai”. [3]
Nửa thế kỷ qua, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của người luôn là niềm tin cho mọi hành động của người Việt, cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và việc duy trì khối đoàn kết dân tộc.
50 năm thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch, dân tộc Việt, Quân đội nhân dân anh hùng của chúng ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chiến thắng ít nhất ba cuộc chiến:
Kháng chiến chống Mỹ, chống bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ ở biên giới Tây Nam và sự xâm lăng của quân đội Trung Quốc ở Biên giới phía Bắc.
Tuy nhiên cuộc chiến “chống giặc nội xâm” – tức là chống tham nhũng, lãng phí, mua quan, bán chức, con ông cháu cha – mặc dù chúng ta đã bỏ nhiều công sức song thành tựu còn rất khiêm tốn.
Có những điều Hồ Chủ tịch dự báo, căn dặn đến nay vẫn còn phải cố gắng rất nhiều, chẳng hạn Người căn dặn:
“Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Chỉ mới quá nửa nhiệm kỳ khóa 12, có tới hơn 70 cán bộ lãnh đạo diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xem xét kỷ luật, đã có cả (nguyên) Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, lãnh đạo cấp tỉnh phải ngồi tù hoặc bị tạm giam chờ ngày ra tòa.
Hồ Chủ tịch  nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” nhưng vì sao tròn 50 năm sau khi Hồ Chủ tịch đi xa, ngay trong năm 2019 này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải nhắc đi nhắc lại chuyện “chạy chức, chạy quyền”.
Xin ghi lại một số phát biểu của ông:
Tháng 3/2019: “Không dùng cán bộ “chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu” [4]
Tháng 5/2019: “Đã chạy chức, quyền là không dùng”. [5]
Tháng 6/2019: “Không để lọt vào cấp ủy người chạy chức, bè phái”. [6]
Di chúc của Hồ Chủ tịch không phải một tài liệu bình thường, đó là di sản quý giá định hướng sự phát triển đất nước và xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới.
Không cần những lý luận cao siêu, xa lạ, chỉ cần thực hiện đầy đủ những gì người để lại trong 03 tác phẩm: “Tuyên ngôn độc lập” (1945); “Sửa đổi lề lối làm việc” (1946); “Di chúc của Hồ Chủ tịch” (1969) là đủ để xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Đánh giá về nhà văn yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, cố Thủ tường Phạm Văn Đồng viết:
“Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng”.
Thày giáo Nguyễn Tất Thành – Chủ tịch Hồ Chí Minh là vì sao sáng trong “bầu trời vĩ nhân” của dân tộc và nhân loại.
Chân lý tỏa ra từ nhân cách và tư tưởng của người liệu có khiến cho một bộ phận không nhỏ những người kế tục bị choáng ngợp đến mức không tiếp cận được?
Khi còn là sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, năm 1969 người viết từng kính cẩn cúi đầu trước linh cữu Người tại Hội trường Ba Đình, từng đứng trong biển người lắng nghe nguyên Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Lê Duẩn đọc điếu văn tại lễ truy điệu Hồ Chủ tịch ngày 09/09/1969, từng chứng kiến nhiều người đứng bên bị ngất khi ông Lê Duẩn đọc đến đoạn “Về việc riêng…” trong Di chúc.
Tiếc rằng người viết chưa xứng đáng là học trò nhỏ của Người./.
Tài liệu tham khảo:
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ ba, tập 4 trang 7, mục “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2011.
[2] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/ca-nuoc-con-gan-2-trieu-nguoi-mu-chu-420032.html
[3]//baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/dan-chu-dai-dien-3298817/
[4]//hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/929935/khong-dung-can-bo-chay-chuc-chay-quyen-chay-phieu-bau
[5] //plo.vn/thoi-su/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-da-chay-chuc-quyen-la-khong-dung-833937.html
[6] //thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-khong-de-lot-vao-cap-uy-nguoi-chay-chuc-be-phai-1089884.html
Xuân Dương