(GDVN) – Nể tình cô, tôi buộc phải giấu tên cô và tên trường. Nhưng câu chuyện đẹp về buổi họp phụ huynh thì tôi không muốn giấu.
Câu chuyện về buổi họp phụ huynh tôi kể dưới đây là câu chuyện có thật diễn ra ở một trường tiểu học phía Nam.
Thế nhưng vì một số lý do, cô giáo trong bài không muốn được nêu tên mình và tên trường.
Tôi gọi là buổi họp phụ huynh trong mơ vì tôi chưa bao giờ được dự một buổi họp phụ huynh nào lại diễn ra đầy tình thân ái đến như vậy.
Một buổi họp phụ huynh (Báo Đồng Nai)
Trước đó, nhận giấy mời đi họp phụ huynh cho cháu gái đầu năm học. Tôi cũng nghĩ thầm như bao người vẫn thường nói “cuộc họp đầu tiên” nghĩa là “tiền đâu?” chứ quan trọng gì.
Bước chân vào lớp, gặp ngay cô chủ nhiệm của cháu, cô cúi chào phụ huynh bằng nụ cười khá thân thiện.
Vào cuộc họp, thay vì đọc các khoản thu chi của năm trước, công bố số tiền đóng góp của năm học này và kêu gọi phụ huynh ủng hộ tiền trên tinh thần tự nguyện (bắt buộc) cho quỹ hội.
Thì cô giáo của cháu tôi lại trao đổi về tình hình học của các con những ngày đầu năm (dĩ nhiên là không nêu tên hay chỉ trích một em nào).
Cách hướng dẫn cho con chuẩn bị bài ở nhà. Cô nhắc nhở các mẹ hãy để con tự soạn sách vở, không làm hộ, làm thay.
Một số phụ huynh nóng lòng đưa ý kiến muốn gửi cô cho con học thêm vào buổi tối.
Cô nhẹ nhàng giảng giải: “Các con học một ngày trên trường cũng khá áp lực, mệt mỏi.
Lứa tuổi tiểu học, học như thế là đủ, các con cần được nghỉ ngơi. Em nào yếu quá, tối về cha mẹ nên dành cho con một tiếng để học bài là đủ”.
Xong phần trao đổi, cô mới chuyển qua phần đóng góp đầu năm.
Cô chỉ rõ những khoản học sinh buộc phải đóng chủ yếu là tiền bảo hiểm lên tới hơn bảy trăm ngàn đồng.
Khoản tiền hội phí là tiền phụ huynh tự nguyện góp nhiều ít tùy tâm, tùy hoàn cảnh gia đình mỗi nhà.
Cô vừa dứt lời, phía góc lớp một người đàn ông ăn mặc khá sang trọng đứng lên nói rằng :
“Lớp mình bao năm nào cũng đều ủng hộ quỹ hội mức thấp nhất là 200 ngàn đồng. Năm nay mình cũng nên thực hiện như thế.
Đây chỉ là mức sàn, không được đóng ít hơn. Còn phụ huynh nào muốn đóng cao hơn bao nhiêu cũng được”.
Cứ ngỡ cô giáo phải vui lắm, nhưng cô lại nói: “Xin cảm ơn sự nhiệt tình ủng hộ của phụ huynh.
Nhưng quy định mức đóng thấp nhất và đổ đồng là sai với tinh thần chỉ đạo của Thông tư 55”.
Một phụ huynh khác lên tiếng: “Cô giáo cứ để phụ huynh chúng tôi tự bàn bạc. Đây là việc của chúng tôi”.
Khá bất ngờ, giọng cô nhỏ nhẹ: “Tôi rất cám ơn quý phụ huynh đã rất quan tâm đến hoạt động của lớp.
Nhưng tôi biết trong lớp mình vẫn có học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn vì đông con đi học. Nếu đổ đồng như thế rất tội cho họ”.
Cả lớp ngồi lặng đi giây lát. Cô bắt đầu đi phát 40 cái phong bì trắng cho từng phụ huynh:
“Ai ủng hộ bao nhiêu vào quỹ hội thì bỏ vào phong bì, có thể không đề tên”.
Tôi biết cô làm thế vì không muốn một số phụ huynh khó khăn phải khó xử.
Vì thường khi thu tiền ủng hộ, một vị phụ huynh trong Ban đại diện sẽ cầm tờ giấy đến từng người để thu và ghi vào danh sách.
Một số phụ huynh nghèo khó cũng phải ráng theo vì sợ bị chê cười, bị coi thường.
Và như thế, họ cũng không thật sự thoải mái.
Sau buổi họp, cô giáo cùng một số phụ huynh trong Ban đại diện ngồi dở từng chiếc phong bì ra và ghi số tiền ủng hộ được để công bố vào buổi họp lần sau.
Có phong bì ủng hộ cao nhất là 500 ngàn đồng, có phong bì 200 ngàn nhưng cũng không ít phong bì chỉ 100 ngàn đồng.
Đặc biệt có một số phong bì chỉ có dăm chục ngàn bạc lẻ, một phong bì khác lại ghi mảnh giấy nhỏ: “Tôi ủng hộ 100 ngàn nhưng sẽ đưa sau”.
Cô cứ cầm mãi chiếc phong bì ấy trên tay, khuôn mặt cô trầm, buồn hẳn. Cô nói:
“Nếu lúc trước, mình không làm thế này, có phải đã đưa những phụ huynh này vào thế khó hay không?”
Nhìn cách cô nói, nhìn việc cô làm, tôi cứ thấy may mắn cháu mình năm nay được học với một giáo viên nhiệt tình và giàu lòng nhân ái đến vậy.
Tôi cứ ước ao, giá ngành giáo dục có nhiều thầy cô giáo như thế thì những chuyện buồn về cách ứng xử của thầy cô với phụ huynh, của phụ huynh với giáo viên sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Tình cờ cô biết được tôi muốn đưa câu chuyện xúc động này lên báo.
Cô giáo đã chủ động nói rằng mình không muốn bị để ý, càng không muốn nhà trường không vừa lòng với cách thu tiền hội phí như vậy.
Bởi, sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho phụ huynh, muốn đóng bao nhiêu cũng được hay thích đóng là đóng, không thích thì thôi. Làm thế, sẽ gây khó cho nhà trường sau này.
Nể tình cô, tôi buộc phải giấu tên cô và tên trường. Nhưng câu chuyện đẹp về buổi họp phụ huynh thì tôi không muốn giấu.
Tôi muốn những câu chuyện đẹp như thế trong ngành cần được lan tỏa rộng rãi.